Bất kỳ ai cũng đều có nguy cơ bị sỏi thận tuy nhiên với một số người mắc một số chứng bệnh nhất định thì nguy cơ này sẽ cao hơn. Dưới đây là danh sách một số loại bệnh làm tăng nguy cơ mắc chứng bệnh này.
Sỏi thận hình thành do lắng đọng các chất trong thận. Lúc đầu sỏi chỉ là có kích thước hiển vi sau đó lớn dần lên.
Thận có chức năng lọc các chất thải từ máu và sản xuất nước tiểu. Khi các chất thải trong nước tiểu không được hòa tan hoàn toàn sẽ dẫn đến sự hình thành các tinh thể. Quá trình lắng đọng tiếp tục dẫn đến hình thành sỏi.
Sỏi thận được hình thành dưới các dạng tinh thể khác nhau. Hầu hết là calcium oxalate, calcium phosphate. Khoảng 75% sỏi thận là sỏi canxi. Các hợp chất hóa học khác có thể tạo sỏi trong ống tiết niệu như axit uric, magnesium ammonium phosphate, và tinh thể axit amino.
Các bệnh làm tăng nguy cơ sỏi thận:
Bệnh gout: làm tăng hàm lượng axit uric trong máu và nước tiểu, do vậy có thể dẫn đến sự hình thành sỏi axit uric.
Cường canxi (hàm lượng canxi cao ở trong nước tiểu). Những người mắc chứng bệnh này thường có quá nhiều canxi được hấp thụ từ thức ăn và bài tiết qua nước tiểu, hình thành nên sỏi calcium oxalate hoặc calcium phosphate.
Một số căn bệnh khác làm tăng nguy cơ sỏi thận bao gồm chứng tăng năng tuyến cận giáp, các bệnh thận như nhiễm toan ống thận.
Chứng tiểu ra cystin (cystinuria) và tăng oxalat niệu (hyperoxaluria) là hai rối loạn chuyển hoá di truyền hiếm gặp khác thường gây ra sỏi thận.
Các bệnh mạn tính như tiểu đường và huyết áp cao và những người mắc chứng bệnh viêm nhiễm đường ruột cũng có nguy cơ cao mắc bệnh sỏi thận.
Một số loại thuốc cũng gây ra sỏi thận như thuốc lợi tiểu, thuốc giảm axit trong dạ dày có chứa canxi và thuốc Crixivan – một loại thuốc dùng điều trị nhiễm HIV.
Các yếu tố về chế độ ăn cũng tăng nguy cơ hình thành sỏi thận như tiêu thụ quá nhiều protein động vật, chế độ ăn hàm lượng muối cao, ăn quá nhiều đường, quá nhiều vitamin D hay rau bina (một loại rau có chứa hàm lượng cao oxalate).
Do đó, với những người mắc các chứng bệnh kể trên cần có chế độ chăm sóc phù hợp để giảm đến tối thiểu nguy cơ mắc bệnh sỏi thận nguy hiểm. Tốt nhất, chúng ta nên biết tự chăm sóc bản thân, tránh xa những thói quen không tốt để có thể có sức khỏe tốt nhất.