Sỏi tiết niệu y học cổ truyền xếp vào chứng thạch lâm, huyết lâm…
Nguyên nhân là do thấp nhiệt uất kết, thận hư, khí hư. Bệnh được chia
làm các thể: bàng quang thấp nhiệt, thận khí bất túc, thận âm hư suy…Số này xin giới thiệu đến bạn đọc các bài thuốc trị bệnh thể thận khí bất túc và thận âm
hư suy.
Thể thận khí bất túc: Biểu
hiện tiểu ít, tiểu dắt, nhiều lần, không thông, bụng dưới trướng đầy,
lưng gối mềm yếu, lưng lúc đau, lúc không; chất lưỡi đậm, rêu trắng
mỏng, mạch tế vô lực. Pháp điều trị: bổ thận ích khí, thông lâm bài
thạch.
Bài thuốc
Tề sinh thận khí hoàn:thục
địa 16g, sơn thù 8g, bạch linh 8g, trạch tả 8g, đơn bì 8g, phụ tử chế
4g, quế chi 4g, ngưu tất 12g, xa tiền tử 12g. Sắc uống trong 7 ngày,
ngày 1 thang, chia 3 lần, mỗi lần 1 bát, uống ấm, trước hoặc sau ăn 1
giờ. Tác dụng: Thận khí hoàn có tác dụng ôn bổ thận dương, ngưu tất, xa
tiền tử thông lâm bài thạch. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm phải
đến bệnh viện để khám và điều trị.
Thục địa dùng trong bài thuốc Tề sinh thận khí hoàn
Thể thận âm hư suy:
Biểu hiện tiểu tiện ra máu, bụng dưới trướng đầy, lưng gối mềm yếu, đầu
váng tai ù, triều nhiệt, ra mồ hôi trộm, chất lưỡi đỏ, rêu ít, mạch tế
sác. Pháp điều trị: Tư âm giáng hỏa, thông lâm bài thạch.
Bài thuốc
Bổ thận bài thạch thang:
tri mẫu, thục địa, trạch tả, đương quy, hoàng bá đều 12g, kê nội kim
10g, mộc thông 10g; cam thảo, sơn thù đều 6g, kim tiền thảo 30g; hải kim
sa, xa tiền tử, hoàng kỳ 15g. Sắc uống ngày 1 thang. Sắc uống trong 7
ngày, ngày 1 thang, chia 3 lần, mỗi lần 1 bát, uống ấm, trước hoặc sau
ăn 1 giờ. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm phải đến bệnh viện để
khám và điều trị.
Mộc thông dùng trong bài thuốc Bổ thận bài thạch thang
Phòng
sỏi tiết niệu tái phát
Do
sỏi tiết niệu hay tái phát nên cần lưu ý: uống nhiều nước để đảm
bảo lượng nước tiểu ít nhất từ 2,5 lít/24giờ trở lên; chữa tích cực các
đợt nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm thận bể thận và chữa các triệu chứng và
các biến chứng khác như ứ nước, ứ mủ bể thận, bí tiểu... Với bệnh nhân
đã phẫu thuật cần lưu ý đến chế độ ăn hằng ngày hợp lý, không quá nhiều
các sản phẩm có canxi và các chất có thể gây sỏi... Không nén nhịn khi
buồn đi tiểu. Nếu có dấu hiệu tiểu buốt, dắt thì nên đến bệnh viện để
khám và làm các xét nghiệm. Cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm
các yếu tố nguy cơ gây bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu đã bị
sỏi, tránh các biến chứng.
Điều trị
sỏi tiết niệu bằng thuốc y học cổ truyền có kết quả tốt, tuy
nhiên chủ yếu được chỉ định trong các trường hợp: kích thước sỏi nhỏ,
sỏi nhẵn; chức năng thận bình thường; không có biến chứng ví dụ sỏi niệu
quản gây chít hẹp đường niệu, ứ nước đài bể thận…; chống tái phát; bệnh
nhân không chịu nổi phẫu thuật vì tuổi cao, thể trạng suy yếu…
TS. Nguyễn Thị Tâm Thuận
(Theo suckhoedoisong.vn)