Bệnh sỏi thận là gì?
Sỏi thận là một trong những bệnh thường gặp nhất trong các bệnh sỏi đường tiết niệu và người Việt Nam lại thường để bệnh trạng rất nặng mới tới bệnh viện chữa trị, gây nên những hậu quả khá nặng nề.Đó là sự lắng đọng những chất đáng lẽ có thể hòa tan trong nước tiểu, vì một lý do nào đó đã kết tinh, lắng đọng lại và tạo sỏi trong thận, tùy thời gian, vị trí và độ lắng đọng mà kích thước sỏi lớn nhỏ khác nhau.
Nước từ mạch máu ngấm qua tế bào thận, bài tiết nước tiểu qua ống thận vào lòng thận, theo ống bài tiết (niệu quản) xuống bàng quang và thoát ra ngoài. Sỏi hình thành, di chuyển ở bất cứ vị trí nào trên đường đi đó của nước tiểu và được gọi là sỏi thận, sỏi niệu quản hay sỏi bàng quang. Tuy nhiên, do cấu tạo của thận có nhiều ngóc ngách, khe kẽ mà độ lắng đọng lớn hơn khiến dễ bị sỏi hơn cả.
Chế độ ăn cho người sỏi thận
Tuỳ theo từng loại sỏi thận, chế độ ăn kiêng cũng khác nhau:
- Sỏi canxi: Giới hạn lượng canxi đưa vào không quá 600 mg/ngày và gia tăng lượng chất xơ (từ rau và trái cây là chính). Không nên dùng các loại nước “cứng” (nước có hàm lượng canxi cao, khi giặt bằng xà phòng thì khó nổi bọt). Dùng các loại thuốc lợi tiểu để làm trôi những sỏi đã hình thành.
- Sỏi oxalat: Không ăn các loại măng tây, đậu cô ve, củ cải đường, đào lộn hột, rau diếp, đậu bắp, nho, mận, khoai lang và trà. Nghĩa là nên cảnh giác với thức ăn chua hay các viên vitamin C liều cao. Nếu có chứng phân mỡ đi kèm thì không nên dùng quá 50 g chất béo mỗi ngày.
- Sỏi axit uric: Các sỏi này liên quan đến chuyển hoá purin và đôi khi là một biến chứng của bệnh gút. Nên giảm ăn những chất có purin (những thức ăn quá nhiều đạm).
Tuy nhiên, việc ăn kiêng không làm tan được mà chỉ tránh tái hình thành các hạt sỏi thận. Khuynh hướng hiện nay là dùng thuốc để trị bệnh.