Thu nhập giảm sút, lại không dám trông chờ vào món tiền thưởng
cuối năm để sắm Tết, năm nay, nhiều người đã rục rịch mua các mặt hàng
khô, thực phẩm về tích trữ sớm. Họ sợ cảnh tranh giành mua bán với giá
cắt cổ vào cận Tết.
“Thưởng Tết ơi, chào mi”
Những ngày gần đây, thông tin về thưởng Tết ngập tràn trên báo chí.
Nhiều công ty không ngần ngại tuyên bố không thưởng hoặc sẽ cắt giảm
mạnh khoản thưởng Tết.
Ở hầu hết các cơ quan, công sở, vấn đề lương thưởng Tết đang được bàn
tán xôn xao. Đa phần các chị em đều không hy vọng mấy vào chuyện thưởng
Tết, bởi ngay cả tiền lương năm vừa rồi cũng bị giảm đi một khoản đáng
kể.
Chị Ngọc Ánh - nhân viên một công ty trên đường Bà Triệu (Hai Bà Trưng,
Hà Nội) than thở, năm nay chuyện kinh doanh khó khăn, lương của chị bị
cắt giảm 30%. Các khoản thưởng quý, du lịch hè cũng mất hút mà không một
lời giải thích, vậy thì trông đợi gì vào chuyện tiền thưởng Tết cao?.
“Những năm trước còn ngóng thưởng Tết để mua sắm cuối năm, năm nay thì
chẳng hy vọng gì. Nếu có thưởng thì nhiều lắm cũng chỉ bằng nửa năm
trước”, chị Ngọc Ánh bần thần.
Nhắc đến chuyện thưởng Tết, vợ chồng anh Trần Văn Quang ở Trung Kính
(Cầu Giấy, Hà Nội) còn buồn hơn khi công ty của vợ anh làm vừa rồi tuyên
bố Tết này sẽ không có thưởng.
Anh Quang cho biết, cả nhà chỉ trông chờ vào tiền thưởng cuối năm của
vợ để tính chuyện sắm sửa lo cho cái Tết. Công ty anh đã tuyên bố mức
thưởng chỉ bằng 1/3 năm ngoái. 4 tháng lương còn nợ nhân viên cũng sẽ
lùi thời hạn trả chứ không đúng dịp Tết như đã hứa.
Đành trữ hàng Tết sớm
Mặc dù còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng chị Trần Thu
Trang ở xóm 6 (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) đã mua gần đủ số hàng hóa, thực
phẩm mà gia đình cần dùng trong dịp Tết này.
Chị Trang kể rằng, năm ngoái vì chờ tiền thưởng Tết mới mua sắm nên cái
gì chị cũng phải mua với giá đắt đỏ, chưa kể còn phải xếp hàng chen
chân trong siêu thị. Rút kinh nghiệm, năm nay chị lên kế hoạch mua sắm
sớm. Từ giữa tháng 10 âm, chị đã nhờ người quen đặt hàng và tìm mua đồ
khô ngon, như măng khô, miến, nấm hương, mộc nhĩ, gạo nếp... Đây đều là
hàng dễ bảo quản, không sợ hỏng.
Theo chị Trang, cái lợi của mua sớm là giá rẻ. Chị dẫn chứng, năm
ngoái, sát Tết chị phải mua măng khô với giá gần 300.000 đồng/kg thì
hiện chị chỉ phải chi 175.000 đồng, rẻ gần một nửa.
Tương tự, năm nay, gia đình anh Nguyễn Trung Quân ở Trương Định (Hoàng
Mai, Hà Nội) cũng có kế hoạch tích trữ thực phẩm Tết trước hai tháng.
Anh Quân kể rằng hai tuần trước, nhân chuyến đi công tác Tây Bắc, chị
nhà anh đã giao nhiệm vụ mua thịt trâu gác bếp với lạp xưởng, gạo nếp
trên đó về làm quà biếu và để gia đình dùng trong dịp Tết.
Chị Nguyễn Thị Nhung ở ngõ 175 (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia
sẻ, sợ nhất là càng gần đến Tết giá thực phẩm càng tăng mạnh. Thế nên,
tuần trước chị đã ra đại lý gần nhà khuân về nào bia, nước ngọt, rượu,
bánh kẹo... tích đó để Tết dùng và đi biếu. “Thế mà, chỉ sang đầu tuần
này, 4 ngày sau khi tôi mua, giá mỗi thùng bia đã tăng lên thêm 15.000
đồng”, chị khoe.
Ngoài tích trữ những mặt hàng khô, thực phẩm chế biến sẵn, hàng xóm nhà
chị Nhung còn tích trữ cả bưởi. Chị cho hay: “Cách đây nửa tháng, họ đã
chở 200 quả bưởi Đoan Hùng về làm quà biếu và ăn Tết. Họ bảo bưởi để
thoải mái không bị hỏng, mua trước giá rẻ chứ đợi đến Tết giá có thể
tăng gấp đôi, gấp ba lần, mà có khi chẳng có hàng để mua”.
Thừa nhận chuyện trên, chị Nguyễn Ngọc Yến, chủ cửa hàng thực phẩm
online chuyên bán đặc sản vùng miền tiết lộ, từ tháng 10 âm lịch, đã có
nhiều khách hàng đặt mua các loại đặc sản như: gạo nếp, thịt trâu gác
bếp, lạp xưởng, măng khô, miến, nấm hương rừng, mộc nhĩ... để ăn Tết.
Đây chủ yếu là hàng khô, dễ bảo quản. Chứ để gần Tết, mặt hàng nào ít
biến động giá cũng tăng thêm 30%, thậm chí có mặt hàng còn tăng 50%.
Theo Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam