Bệnh quai bị dân gian thường gọi là bệnh “ông địa” do siêu vi trùng thuộc nhóm Paramyxovirus có liên quan đặc biệt đối với các tuyến nước bọt, tuyến tụy, tinh hoàn... và hệ thần kinh gây ra. Quai bị là bệnh toàn thân, viêm tuyến mang tai là phổ biến và điển hình của bệnh quai bị, ngoài ra còn gặp viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, viêm màng não, tổn thương các dây thần kinh sọ.... Bệnh thường phát vào cuối mùa xuân, nhất là tháng 4 và tháng 5, trong các môi trường tập thể như trường học, nhà trẻ. Tuổi nào cũng có thể bị bệnh quai bị, khả năng mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. Tuy nhiên ít gặp quai bị ở trẻ dưới 2 tuổi mặc dù trẻ chỉ được bảo vệ trong 6 tháng đầu nếu mẹ đã từng mắc bệnh quai bị. Sau 2 tuổi, tần suất bệnh tăng dần, đạt đỉnh cao ở lứa tuổi 10 - 19.
Sau khi tiếp xúc với virus quai bị khoảng 14 - 24 ngày, người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm. Sau đó, tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần. Tuyến mang tai có thể sưng 1 bên hay 2 bên. Nếu sưng cả 2 bên thì 2 tuyến có thể không sưng cùng lúc, tuyến 2 bắt đầu sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài, có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức. Bệnh nhân có cảm giác đau ở vùng tuyến bị sưng nhưng da trên vùng sưng không nóng và không sung huyết, ngược với những trường hợp viêm tuyến mang tai do vi trùng. Lỗ ống Stenon ở niêm mạc má 2 bên sưng đỏ, có khi có giả mạc. Bệnh nhân có cảm giác khó nói, khó nuốt, đôi khi phù thanh môn gây khó thở phải mở khí quản. Thời gian biểu hiện bệnh lý khoảng 10 ngày.
Tuy nhiên, có khoảng 25% người bị nhiễm virus quai bị mà không có triệu chứng bệnh lý, đây là những đối tượng có khả năng truyền bệnh.
Theo bác sĩ Lê Thân, có thể chữa bệnh quai bị bằng cách sau: Dùng thuốc kháng sinh không có tác dụng mà chỉ điều trị theo triệu chứng. Chườm nóng, thuốc an thần, giảm đau, vitamin có thể dùng chống viêm, súc miệng nước muối thường xuyên sau khi ăn. Những ngày đầu nên ăn nhẹ, ăn lỏng. Có thể kết hợp dùng thuốc bôi ngoài da như hạt gấc giã nát trộn giấm thanh bôi ngoài, hoặc rau sam giã nát đắp. Mực tàu loại tốt mài phết lên vùng sưng. Trắc bá diệp, lá mã đề lượng bằng nhau giã nát đắp. Đậu đỏ, giấm, trứng gà vừa đủ; đậu đỏ tán mịn, dùng lòng trắng trứng gà và giấm, trộn thành hồ để phết lên nơi sưng. Hoặc lá lô hội giã nát, đắp lên chỗ sưng đau; đồng thời dùng lá lô hội 20g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần. Chú ý không được dán cao bột, dầu cao hay đắp thuốc nóng. Đặc biệt là tránh vận động mạnh. |
Bệnh quai bị ở người lớn thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em. Bác sĩ Lê Thân – Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh cho biết, quai bị là bệnh dễ lây nên lúc phát bệnh cần chú ý phòng tránh. Bệnh nói chung tiên lượng là tốt, nhưng có thể gây hậu quả tai hại vì những thể bệnh và biến chứng nặng như vô sinh, viêm não....Y học hiện đại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên bệnh này có thể dùng đông tây y kết hợp. Virus quai bị có thể gây tổn thương nhiều cơ quan của cơ thể, nhưng bộ phận đáng lo ngại nhất của bệnh quai bị là gây viêm tinh hoàn cho nam giới. Viêm tinh hoàn do virus quai bị thường gặp ở lứa tuổi đang dậy thì và cả lứa tuổi trưởng thành (thanh thiếu niên). Tỷ lệ bị viêm tinh hoàn còn tùy thuộc vào từng vụ dịch (tức là phụ thuộc vào độc lực của virus), tình trạng sức đề kháng của cơ thể. Đặc điểm của viêm tinh hoàn thường xảy ra 1 bên. Tỷ lệ viêm tinh hoàn 2 bên ít hơn. Sau khi viêm tuyến nước bọt từ 5 - 7 ngày thì xuất hiện viêm tinh hoàn. Bệnh nhân thấy xuất hiện sốt trở lại, đôi khi nhiệt độ còn tăng hơn lúc ban đầu của viêm tuyến nước bọt. Tinh hoàn sưng to, đau. Sờ vào tinh hoàn thấy chắc. Da bìu bị phù nề rõ rệt, căng, bóng, đỏ.
Ngoài biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới thì nữ giới khi bị quai bị cũng có thể bị viêm buồng trứng tuy rằng tỷ lệ thấp. Viêm tụy, viêm não, màng não cũng có thể gặp trong bệnh quai bị nhưng không nhiều. Mặc dù những bệnh này gặp trong viêm quai bị là thấp nhưng rất nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng.
Hiện nay, tất cả các cơ sở y tế, trung tâm y tế dự phòng trên địa bàn toàn tỉnh đều có tiêm phòng vắc xin cho loại bệnh này, thường kết hợp với phòng sởi và rubella (Trimovax, MMR). Các bác sĩ cảnh báo không nên tiêm vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi (tuy nhiên nếu trẻ sống trong môi trường tập thể, có thể tiêm ngừa từ 9 tháng tuổi), phụ nữ có thai, người bị dị ứng với thuốc chủng, người đang dùng thuốc gây giảm miễn dịch (corticoid, thuốc điều trị ung thư), người đang điều trị với tia phóng xạ. Phòng bệnh quai bị thụ động với globulin miễn dịch, dùng cho người tiếp xúc với virus quai bị mà chưa được tiêm vắc xin trước đó.
Cũng cần thiết phân biệt giữa quai bị và viêm tuyến nước bọt thông thường. Loại bệnh này đơn giản, dễ chữa nhưng nếu chữa muộn cũng có khả năng gây biến chứng là làm biến dạng khuôn mặt.
Comments[ 0 ]
Post a Comment