Cách phòng tránh bệnh gút
Bệnh gút dễ xảy ra ở những người có nồng độ acid uric tăng và chế độ ăn uống giàu chất đạm.
● Bệnh gút là gì?
Bệnh gút (tiếng Anh là gout, gọi theo âm Hán-Việt là thống phong), hay viêm khớp do gút, là một dạng viêm khớp được đặc trưng bởi cơn đau khớp dữ dội và đột ngột, kèm theo đó là sưng đỏ khớp. Gút là một bệnh khớp phổ biến ở đàn ông trung niên, do khớp bị lắng đọng các tinh thể muối urate trong ổ khớp và các tổ chức quanh khớp. Dù gặp ở đàn ông nhiều hơn, nhưng phụ nữ sau mãn kinh cũng có thể bị bệnh này. Rất may, bệnh gút có thể khỏi hẳn nếu được điều trị đúng. Hơn nữa, gút là một bệnh có thể được dự phòng
● Triệu chứng biểu hiện
Gút hầu như luôn biểu hiện cấp tính, xảy ra một cách đột ngột, thường là vào lúc nửa đêm và không có dấu hiệu gì báo trước. Các triệu chứng thường gặp là: Đau khớp dữ dội. Thường xảy ra ở khớp ngón chân cái nhưng các khớp khác cũng có thể bị là khớp bàn chân, cổ chân, bàn tay và cổ tay, điển hình là nổi u cục. Khi bệnh nặng có thể xuất hiện các bệnh nguy hiểm khác như: viêm khớp cấp, sỏi thận, suy thận, các bệnh tim mạch…
● Yếu tố nguy cơ
Bệnh gút dường như dễ xảy ra ở những người có nồng độ acid uric tăng. Do ăn nhiều chất đạm động vật (đặc biệt là tôm, cua biển, ghẹ…), các loại thịt có màu đỏ (thịt trâu, bò, ngựa, dê…), phủ tạng động vật (lòng, tim, gan, thận, óc…) cùng với uống nhiều bia rượu có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh gút.
● Một số biện pháp phòng ngừa bệnh gút
- Ăn uống điều độ, không được nhịn đói, bỏ bữa, không dùng các chất kích thích như ớt, hạt tiêu, các loại dưa muối và cà muối. Hạn chế tối đa ăn các loại thực phẩm như gan, tim, lưỡi động vật, nấm, trứng cá, kem.
- Trong các loại thịt nên chọn gà, vịt và cá. Chúng cũng tốt đối với những người béo hay có bệnh tim mạch vì chứa ít cholesterol.
- Các thực phẩm giàu chất xơ, thực phẩm không có hoặc ít có nhân purin và có công dụng tăng cường đào thải axit uric qua đường tiết niệu như: rau cần, súp lơ, dưa chuột, cải xanh, cà chua, cà pháo, cà tím, cải bắp, khoai tây, bí đỏ, bí xanh, dưa hấu, đậu đỏ, lê, táo, nho, cải trắng, hành tây, mía, chuối, cam quýt…
- Không uống rượu, hạn chế uống bia, không uống nước chè, cà phê đặc và các đồ uống có ga. Trong một công trình nghiên cứu, người ta thấy rằng ở nhóm người uống khoảng 1 lít bia trở lên trong một ngày có tỷ lệ bị gút gấp 2,5 lần so với nhóm người ít uống.
- Sữa và các sản phẩm của sữa như sữa chua; dưa chuột, dưa hấu... là các thức ăn tốt cho việc phòng và chữa bệnh gút.
- Nên uống nhiều nước khoảng 2,5-3 lít mỗi ngày. Nên uống nước khoáng không gas có độ kiềm cao giúp tăng đào thải acid uric và hạn chế sự kết tinh irate tại ống thận, làm giảm nguy cơ sỏi thận.
● Chế độ sinh hoạt
- Cần vận động thường xuyên, vừa sức. Người đang bị viêm, sưng khớp không luyện tập quá nhiều và quá sức.
- Hạn chế căng thẳng, bực tức, giữ tinh thần thoải mái và không nên thức khuya.
- Buổi tối trước khi đi ngủ nên ngâm chân tay với nước ấm từ 20-30 phút. Phương pháp này giúp làm mềm và thư giãn các khớp, có thể hạn chế được các cơn đau cấp tính do bệnh gây ra, từ đó làm hạn chế biến dạng khớp.
Tuấn Minh (Tổng hợp)
Tags:
benh-khac
Comments[ 0 ]
Post a Comment