Hà Nội: Mổ sỏi, được “khuyến mại”... cắt thận
(VnMedia) – Phản ánh tới Báo Điện tử VnMedia, bệnh nhân Nguyễn Anh Tuấn (thị xã Sơn Tây – HN) ngỡ ngàng và bức xúc, vì mình đi mổ sỏi nhưng đã bị... cắt luôn một…bên thận!
Mổ sỏi, mất oan…một bên thận?
Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, nơi anh Tuấn được tiến hành mổ lấy sỏi...
Anh Nguyễn Anh Tuấn (khu tập thể Hữu Nghị 80, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là nạn nhân vừa được nhận “khuyến mại” mổ sỏi – mất thận. Điều đáng nói, tại nạn hy hữu nói trên, lại xảy ra tại chính bệnh viện Đa khoa Sơn Tây nơi anh Tuấn công tác (anh Tuấn cũng là bác sỹ) và có liên quan tới những đồng nghiệp của anh.
Anh Tuấn cho biết: do có tiền sử sỏi thận mé phải, anh có nguyện vọng mổ lấy sỏi ra. Anh Tuấn đã cho đặt vấn đề với Ban giám đốc Bệnh viện đa khoa Sơn Tây để mời các bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức (bệnh viện đầu ngành về ngoại khoa) lên thực hiện ca mổ.
Ngày 19/7/2009, BGĐ Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây đã tiến hành mời kíp mổ từ bệnh viện Việt – Đức, do bá sỹ - tiến sĩ Nguyễn Vũ Khải Ca (Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu Bệnh viện Việt - Đức) thực hiện. Ca mổ được đánh giá rất thành công. Công việc hậu phẫu sau mổ được giao lại cho bệnh viện Đa khoa Sơn Tây.
Sau khi mổ 4 ngày, anh Tuấn lên cơn sốt. Bác sĩ Phạm Tiến Dung, phụ trách khoa Ngoại (bệnh viện Đa khoa Sơn Tây) chẩn đoán vết mổ dài gần gang tay của anh bị nhiễm trùng và cho cắt chỉ toàn bộ mà không có sự tham khảo hay đồng ý của phẫu thuật viên chính (tiến sĩ Ca) và cũng không trao đổi tình trạng bệnh với bệnh nhân và người nhà.
Vết mổ sỏi thận trên người anh Tuấn...
Sau hơn một tuần cắt chỉ vết mổ, chiều ngày 02/8, bệnh nhân Tuấn đau vật vã phía sâu trong vết mổ, máu tươi chảy ướt đẫm vòng băng. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chuyển ngay lên Bệnh viện Việt - Đức với chẩn đoán "chảy máu vết mổ, nghi chảy máu sâu trong hố thận sau mổ sỏi thận tái phát ngày thứ 14/bệnh nhân suy gan".
Khi chuyển lên Bệnh viện Việt - Đức, anh Tuấn được chẩn đoán tụ máu quanh thận sau mổ sỏi thận. Do vết mổ tiếp tục chảy máu ồ ạt nên anh được chỉ định cấp cứu cầm, truyền máu, sau đó là nút mạch cấp cứu. Quá trình nút mạch cấp cứu thất bại nên bệnh nhân được chuyển ngay sang buồng phẫu thuật cấp cứu. Tại ca phẫu thuật lần hai này, một quả thận bên phải của anh Tuấn đã “ra đi”, do vết mổ nhiễm trùng sâu và việc cắt chỉ toàn bộ của vết mổ cũng làm tổn thương mạch máu của bệnh nhân.
“Đang chờ giải thích”
Cho rằng thận phải bị cắt bỏ một cách “oan ức” bởi nguyên nhân do lỗi nghiệp vụ của đồng nghiệp, anh Tuấn đã làm đơn gửi lên BGĐ bệnh viện Đa khoa, đề nghị giải thích. Thế nhưng, những giải thích của bệnh viện đã không thỏa đáng.
Vợ chồng anh Tuấn, chị Xuân trao đổi với phóng viên...
Chị Nguyễn Thị Xuân – vợ bệnh nhân Tuấn cho hay: Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây giải thích, việc cắt bỏ chỉ toàn bộ vết thương là do vết mổ nhiễm trùng sâu. Tuy nhiên, tại thời điểm cắt chỉ, vết mổ của chồng em không hề có mủ, có dịch hay có dấu hiệu bị nhiễm trùng. Chính việc cắt chỉ toàn bộ vội vàng của bác sỹ Dung đã khiến vết mổ bị nhiễm trùng.
Cả hai vợ chồng đều làm trong ngành y nên anh Tuấn khẳng định: nếu tôi không có chuyên môn về y, mà chỉ là một người dân bình thường, thì chắc chắn tôi đã bị bệnh viện Đa khoa Sơn Tây từ bỏ trách nhiệm bằng việc giải thích như trên.
Trao đổi với phóng viên, bác sỹ Phùng Xuân Trường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây giải thích: việc cắt thận bán phần lấy sỏi đương nhiên phải chảy máu do tỷ lệ chảy máu cao, còn việc cắt chỉ ngoài da không liên quan gì đến chảy máu quanh hố thận.
Ông Trường một mực khẳng định việc: cắt chỉ toàn bộ vết mổ không ảnh hưởng đến việc hỏng thận và cắt thận sau này của anh Tuấn.
Khác với lời giải thích của bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, bác sĩ Lê Anh Việt, (Chủ nhiệm khoa Khám bệnh, Bệnh viện quân đội 354) cho biết: phẫu thuật sỏi thận là phẫu thuật tiết niệu đại cương bình thường, nếu ổn định thì chỉ 7 - 10 ngày là bệnh nhân có thể ra viện. Việc cắt chỉ vết mổ cho bệnh nhân có nhiễm trùng sau mổ phải hết sức cân nhắc, tùy theo mức độ nhiễm trùng, tổn thương của vết mổ mà có chỉ định cắt chỉ cách quãng hay toàn bộ. Chỉ nên cắt chỉ toàn bộ khi vết mổ nhiễm trùng nặng, có mủ, nhiều dịch.
Giám đốc bệnh viện Đa khoa Sơn Tây xác nhận: bệnh nhân Tuấn là cán bộ bác sỹ công tác tại bệnh viện hơn 10 năm nay. Vì là cán bộ của bệnh viện nên BGĐ đã có “ưu ái” là mời kíp mổ từ bệnh viện đầu ngành về thực hiện ca mổ cho bác sỹ Tuấn. Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra, bênh viện đã gặp gỡ gia đình bệnh nhân nhưng chưa tìm được hướng giải quyết.
Về trách nhiệm từ việc bệnh nhân bỗng dưng bị cắt bỏ oan ức một bên thận, ông Trường cho hay: BGĐ bệnh viện Đa khoa Sơn Tây đã gửi công văn đề nghị bệnh viện Việt Đức trả lời để làm rõ nguyên nhân, từ đó xem trách nhiệm thuộc về bên nào, nhóm bác sỹ mổ (bệnh viện Việt Đức) hay do nhiễm trùng vết thương từ việc cắt chỉ toàn bộ một cách vội vàng của nhóm bác sỹ bệnh viện Đa khoa Sơn Tây.
Ông Trường cũng cho hay, việc khiếu nại kéo dài của bệnh nhân Tuấn đã được ông báo cáo lên Thanh tra Sở Y tế (Sở Y tế Hà Nội) nhưng mới chỉ bằng... miệng. “Khi nào Bệnh viện Việt - Đức trả lời chính thức, khi ấy chúng tôi báo cáo Sở sau”.
Hồ sơ bệnh án của anh Tuấn ghi rõ: "Cắt bán phần thận P"
Như vậy, trong thời gian chờ đợi câu trả lời của hai bệnh viện, bệnh nhân Tuấn vẫn âm thầm chịu đựng vì “mất oan” nửa quả thận. “Điều tôi lo lắng nhất, đấy là nửa quả thận còn lại phải hoạt động nhiều, đang bắt đầu có dấu hiệu của việc sỏi thận trở lại!”.
Chị Xuân chia sẻ thêm: “Quan trọng nhất với tôi, đó là sức khỏe của anh ấy sẽ như thế nào khi bị cắt bỏ nửa bên thận. Chúng tôi chưa đòi hỏi bệnh viện đền bù gì, nhưng phải giải thích về nguyên nhân của sự việc trên một cách rõ ràng chứ không nên trốn tránh, vòng vo trong suốt thời gian dài qua!”.
Tags:
Comments[ 0 ]
Post a Comment