Cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ 2010 đã kết thúc. Nhưng những bước nhảy... chưa hoàn vũ vẫn đang còn rộn ràng khắp Sài Gòn. Trong tiếng nhạc rộn ràng của điệu Chachacha, từng cặp dìu nhau say sưa, mặc mồ hôi đẫm lưng áo. Không chỉ đầu xanh, trên sàn nhảy còn không ít những mái đầu đã ngả bạc. Đó là những hình ảnh ở CLB Dance Sport thuộc Cung Văn hóa lao động TP.HCM.
Nào, cùng nhảy!
Thông điệp được ban tổ chức Bước nhảy hoàn vũ nhắc đi nhắc lại và thể hiện bằng chính sự đa dạng của các thí sinh ngôi sao là: Ai cũng có thể khiêu vũ! Trên thực tế, bộ môn khiêu vũ có mặt ở TP.HCM từ trước năm 1975 nhưng hồi đó, ai cũng ngầm hiểu với nhau đó là "món ăn" của "nhà giàu". Đến khoảng những năm 1985, 1986 khiêu vũ mới bắt đầu thịnh hành và hiện tại, khiêu vũ đã thực sự phổ biến, xuất hiện nhiều sân chơi, CLB, sàn nhảy như NVH Thanh niên, CLB Dance Sport Khánh Thi (do Kiện tướng Dance Sport Khánh Thi thành lập tại số 2 Đinh Tiên Hoàng, quận 1), NVH Phụ nữ.
Riêng Cung Văn hóa lao động TP.HCM có tới 2 sàn cho những người đang trong quá trình tập luyện và những người đã có thể khiêu vũ sinh hoạt tại CLB Hướng Dương. Ngoài ra, tại những công viên như Gia Định, Lê Thị Riêng, Lê Văn Tám, Hoàng Văn Thụ… cũng có những sàn nhảy "bình dân" cho mọi người sinh hoạt. Sở dĩ gọi là "bình dân" vì nó cũng… bình dân thật! Vào những ngày mà ông trời không thương, bất thình lình đổ mưa thì những sàn nhảy ngoài trời buộc lòng phải… giải tán ai về nhà nấy rồi đợi đến trời nắng hẵng hay!
Sàn diễn của những bước nhảy... chưa hoàn vũ ngày càng nóng.
Dạo qua một vòng các sàn tập khiêu vũ, mới thấy đối tượng của bộ môn này cũng hết sức phong phú, từ những nam thanh nữ tú, những ông bà sồn sồn, đến cả những cụ ông cụ bà đầu tóc trắng cước trên 80 tuổi đời. Ở CLB Dance Sport Khánh Thi còn dành hẳn một lớp thiếu nhi cho các bé từ 5-12 tuổi. Trong quá trình tập luyện, nếu bé nào thuần thục những động tác cơ bản, có thể “lên sàn” nhảy chung với người lớn.
Đời sống được nâng cao, rõ ràng nhu cầu khiêu vũ để giải trí và giao lưu của mọi người cũng theo đó mà tăng lên. Nhưng phải đến khi có Bước nhảy hoàn vũ thì không khí cũng như cái nhìn của mọi người dành cho bộ môn khiêu vũ thể thao mới được nhìn nhận đúng. Từ đó, niềm đam mê, tình yêu dành cho khiêu vũ nhiều hơn. Chị Kiều Anh, nhân viên ghi danh tại CLB Dance Sport Cung Văn hóa lao động cho biết, trung bình hàng tháng CLB đón nhận 3.000 học viên, sau chương trình Bước nhảy hoàn vũ, số lượng học viên có tăng nhưng không đáng kể, nằm trong khoảng 10%, nhưng số người tìm hiểu về bộ môn dance sport thì lại tăng nhiều.
Giảm cân, giữ dáng, tăng sức khỏe
Với phần đông số người đang tham gia sinh hoạt, ngoài mục đích giải trí thì khiêu vũ cũng chính là “bài thuốc” tương đối hiệu nghiệm và rẻ để giữ sức khỏe cũng như
làm đẹp. Trong quá trình tham gia vào Bước nhảy hoàn vũ, chính Siu Black cũng thừa nhận là mình giảm được 6kg, vòng eo sụt tới 16 phân; còn Minh Béo cũng giảm cân một cách đáng kể, khiến mỗi lần xuất hiện anh đều phải tâm sự về sự… xộc xệch khi mặc quần áo. Đó là “chút lộc” mà những người có ngoại hình “quá khổ” có thể nhận được khi tham gia tập luyện khiêu vũ. Như chị Trang (nhà ở quận Bình Thạnh), đang cùng con gái Mỹ Trân sinh hoạt tại CLB Dance Sport Khánh Thi tâm sự, bên cạnh việc đến đây để giải trí và rèn luyện sức khỏe thì chị cũng muốn “làm bạn” cùng con gái. Một năm trước đây, con gái chị bị bệnh béo phì, mới 10 tuổi với chiều cao 1m33 nhưng cân nặng lên tới 46kg thì sau một năm tập luyện khiêu vũ, chiều cao của cháu đã được cải thiện là 1m43 còn cân nặng cũng giảm, còn 40kg. Có lẽ, cả Siu Black, Minh Béo cũng như con gái chị Trang đều là dẫn chứng sinh động cho những người muốn giảm cân bằng khiêu vũ! Bên cạnh đó, một số người mắc bệnh về huyết áp,
sỏi thận cũng công nhận khiêu vũ có tác động rất tốt trong việc dưỡng và trị bệnh. Chị Mỹ, học viên của lớp nâng cao CLB Dance Sport Cung Văn hóa lao động, từng bị
sỏi thận, sau 10 năm gắn bó cùng khiêu vũ, nay sức khỏe của chị đã tốt hơn rất nhiều, thậm chí
bệnh sỏi thận còn dứt hẳn. Hàng ngày, sáng 8h30 đến 10h, chiều 5h đến 21h30 chị đều có mặt ở sàn tập. Ngoài khiêu vũ để nâng cao sức khỏe, chị Mỹ còn tham gia hướng dẫn cho các học viên mới bắt đầu đi học. Bằng công việc này, mỗi tháng trung bình chị nhận được 3 triệu bồi dưỡng từ các học viên.
Có một thực tế ở các CLB khiêu vũ là chị em vẫn chiếm một số lượng áp đảo. Thành ra, trong các bài tập, người nam vẫn luôn bị thiếu hụt, có khi một buổi tập như vậy, một học viên nam phải dìu tới 2, 3 nữ. Có lẽ, xuất phát từ nhu cầu làm đẹp nên sự có mặt của chị em ở những sàn tập khiêu vũ vẫn lớn hơn cả. “Tôi giữ được dáng như ngày hôm nay là nhờ khiêu vũ đấy!” - NSƯT Hà Xuyên, người từng để lại ấn tượng trong lòng nhiều thế hệ khán giả với vai diễn Hà trong Xa và Gần, Ngọc Mai trong phim Biệt động Sài Gòn và Út Thêm trong Ba lần và một lần, cũng là một “tín đồ” của khiêu vũ cho biết như vậy. Vốn là một diễn viên múa nên khi chuyển sang lĩnh vực khiêu vũ, NSƯT Hà Xuyên không gặp phải một khó khăn nào. Không những thế, lúc còn làm trưởng ban nữ công, tranh thủ những giờ nghỉ trưa, Hà Xuyên còn mời thầy cô về dạy cho chị em ở trong cơ quan, sau một thời gian thì ai cũng rất hài lòng về vóc dáng của mình. Mấy năm nay, NSƯT Hà Xuyên là hội viên của CLB Hướng Dương, bình thường nếu không phải đi đóng phim, diễn viên Hà Xuyên vẫn đều đặn sinh hoạt tại CLB từ 9h30 tới 12h các ngày trong tuần. NSƯT Hà Xuyên cho biết, hiện tại bà đang theo đoàn phim Huyền sử thiên đô và Xin thề là anh nói thật nên dạo này, chỉ được xem khiêu vũ qua chương trình Bước nhảy hoàn vũ mà không được “lên sàn”. Kể ra cũng nhớ!
Có mặt trong một buổi tập tại Cung Văn hóa lao động, không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến một bà cụ tóc bạc da mồi nhưng vẫn thực hiện những động tác xoay, tiến, lùi của… người nam khá thuần thục. Mon men hỏi chuyện, mới biết bà tên là Châu Thu, năm nay 61 tuổi, từng tham gia đóng quảng cáo nước tương Tam Thái Tử. Bà Châu cho biết, khiêu vũ giúp cho bà khỏe, năng động, giảm stress rất nhiều. Do bị gián đoạn nên tính về thời gian sinh hoạt ở CLB Dance Sport thuộc Cung Văn hóa lao động bà Châu Thu mới chỉ có một năm nhưng ở đây ai cũng biết bà. Có một câu chuyện khá thú vị về người hội viên lớn tuổi này. Trước đây, khi chồng bà còn sống, bà rất thích bộ môn này nhưng chồng bà lại… ghen, không muốn bà đi học khiêu vũ rồi để người khác… ôm vợ mình! Thành ra, bà phải “mặc cả” với chồng bằng cách… chỉ học bước nam. Bây giờ con cái đã thành đạt, ở tuổi xế chiều như bà thì khiêu vũ là một niềm vui mà bà khó lòng để dứt bỏ. Hàng ngày, bà vẫn chạy xe quãng đường 3km từ quận 4 sang Cung Văn hóa lao động, dù vẫn có thể đi bước nữ nhưng bà đành chấp nhận để mọi người gọi mình là “anh Thu” vì ở CLB, người nam bị thiếu rất nhiều.
Khiêu vũ mới nhìn thì vui và hấp dẫn thật nhưng cũng có khối chuyện phải bận lòng. Cách đây hơn một tháng, tại Cung Văn hóa lao động vừa xảy ra một vụ đánh ghen mà nguyên nhân chính xuất phát từ khiêu vũ. Ngoài ra còn có những tiêu cực mà những người trong cuộc hiểu rõ hơn cả. Một học viên cho biết, khi bước chân vào khiêu vũ, 100 người thì có tới 90 người có vấn đề về nội tâm, có một số thì lục đục chuyện vợ chồng. Và cũng không hiếm trường hợp đến với khiêu vũ để tìm kiếm đại gia với mong muốn đổi đời. Thực ra, bản chất của khiêu vũ hoàn toàn tốt đẹp, có những tiêu cực như vậy chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, mà những “con sâu” thì e rằng ở lĩnh vực nào cũng có, chứ không riêng gì khiêu vũ…
Quỳnh Lưu
Comments[ 0 ]
Post a Comment