Những xét nghiệm chuẩn đoán sỏi thận

Với sự phát triển của khoa học, hiện nay có rất nhiều phương pháp xét nghiệm giúp xác định sự hiện diện của hòn sỏi, vị trí của nó cũng như các tác hại của nó đối với hệ niệu. 
Tùy theo mức độ nghi ngờ và mức độ nặng nhẹ của bệnh, thầy thuốc có thể chỉ định một hay nhiều phương pháp sau để chẩn đoán:
- Siêu âm
Siêu âm còn được gọi là âm vang ký, đây là một phương pháp ứng dụng sự phản hồi của sóng âm thanh trên vật chất để vẽ nên hình ảnh của sự vật. Trên màn ảnh hòn sỏi sẽ hiện ra như một vật cản âm (bóng sáng) tiếp theo đó là một vệt đen gọi là bóng lưng. Vì siêu âm chỉ cho hình ảnh của một vạch trên thiết diện của hòn sỏi nên ít khi cho được những thông tin đầy đủ của sỏi. Mặt khác, có một số vật thể khác cũng cho hình ảnh giống sỏi như một đám sỏi vụn hoặc những cặn của nước tiểu….
Siêu âm lại tùy thuộc vào khả năng chuyên môn của người đọc, tùy vị trí hòn sỏi có thể dễ tìm thấy bằng sóng âm hay không. Do đó thầy thuốc thường ít khi điều trị sỏi dựa trên siêu âm hoàn toàn mà phải cần thêm phim X-quang để có thể xác định rõ ràng hơn. 
 
 Có thể ví dụ như sau: X-quang như là một bức ảnh chụp toàn diện, sau khi chụp xong, bức ảnh có thể đưa cho nhiều người xem, nghiên cứu, lúc này nhìn không ra thì lúc khác nhìn ra; còn siêu âm như là một người cầm ống nhòm quan sát, nhìn thấy gì thì mô tả cho người khác nghe, thấy được nhiều hay ít tùy vào khả năng của người cầm ống nhòm. Tuy nhiên, siêu âm là một xét nghiệm rẻ tiền, ít có hại, có thể làm liên tiếp nhiều lần nên cũng có mặt thuận lợi trong việc phát hiện và nhất là theo dõi sỏi tái phát.
Có thể dùng siêu âm để theo dõi các trường hợp nghi ngờ, nếu siêu âm cho thấy triệu chứng sỏi thì sẽ áp dụng các phương pháp khác. Nên nhớ rằng với siêu âm, người ta chỉ chẩn đoán được chính xác sỏi với tỷ lệ 30%, và chủ yếu là trên những hòn sỏi to.
- X-quang:
Đây là phương pháp chẩn đoán đã làm thay đổi bộ mặt của Niệu khoa vì nó giúp cho các bác sĩ nhìn được hòn sỏi xuyên qua cơ thể. X-quang là phương tiện chủ yếu cho các nhà  Niệu khoa để chẩn đoán và điều trị sỏi.
+ Phim không chuẩn bị
Là phim chụp bộ niệu không cản quang, gọi là không chuẩn bị chỉ là về phương diện thuốc, bệnh nhân vẫn phải chuẩn bị về phương diện ruột. Phải súc ruột cho thật sạch để hơi và chất thải trong ruột không làm che lấp các chi tiết cần phát hiện. Hiện nay có một số phòng chụp X-quang tư nhân không chuẩn bị ruột kỹ, bệnh nhân thì rất thích vì không phải súc ruột (nhất là phụ nữ ) nhưng không biết là mình vừa mất tiền, vừa phải chịu tia phóng xạ mà không được chăm sóc chu đáo. Nếu không rửa ruột, bệnh nhân cần dùng thuốc xổ liều mạnh để tống chất bả ra khỏi ruột.
Trên X-quang, hòn sỏi có thể xuất hiện như sau:
 - Sỏi Phosphate Calcium: Một khối trắng bờ tròn đều, đôi khi có những vòng tròn đồng tâm qua quá trình tích tụ.
 - Sỏi Magnesium ammonium phosphate: Thường xuất hiện dưới dạng sỏi nhiều nhánh như củ gừng hoặc san hô nên còn được gọi là sỏi san hô. Sỏi này cản quang mạnh, xuất hiện màu trắng đục trên phim, nếu có phối hợp với Calcium phosphate hoặc Oxalate thì có thể xuất hiện các vòng đồng tâm.
 -Sỏi Calcium Oxalate: Thường là các hòn sỏi nhỏ, tròn , trên X quang thấy có nhiều gai hướng tâm.
 - Sỏi Cysteine: Là sỏi kém cản quang, trêm phim X quang có thể thấy dạng trắng mờ, nhưng đặc điểm là bề mặt rất trơn láng, tròn đều.
 - Sỏi Urate: Sỏi rất kém cản quang, ít khi phim bộ niệu không chuẩn bị phát hiện được loại sỏi này.

 
 +X-quang thận thuốc (còn được gọi là U.I.V: Niệu ký nội tĩnh mạch)
Người ta sẽ chích một liều Iode vào tĩnh mạch bệnh nhân, tuỳ tình trạng chức năng thận và cân nặng của người bệnh mà liều này nhiều hay ít. Chất Iode sẽ được hấp thụ ở thận và phóng thích ra nước tiểu, cho nên sẽ cho hình ảnh của thận niệu quản bọng đái là những nơi chứa nước tiểu.
Nếu một hòn sỏi không cản quang ( không thấy được trên phim bộ niệu không chuẩn bị) thì nay nó sẽ choán một chỗ trong đường tiểu. Chúng ta sẽ thấy một vùng không có thuốc xuất hiện đúng với hình ảnh của hòn sỏi.
Ngoài ra, U.I.V. còn cho ta biết tình trạng ứ nước do sỏi đem lại, tình trạng thận có còn khả năng giữ đươc hay không để quyết định phương pháp mổ, tình trạng thận sau khi mổ có còn sử dụng được hay không? Trên nguyên tắc, một bệnh nhân trước khi mổ thận cần được chụp X-quang bộ niệu và U.I.V. là tối thiểu, chưa kể đến một vài loại phim đặc biệt khác trong một vài tình huống cần phải thực hiện thêm.
+ X-quang điện toán cắt lớp, còn dược gọi là CT
Là phương tiện đắt tiền, nhưng có giá trị cao, nhất là nếu chụp CT xoắn ốc. Ít khi thầy thuốc chỉ định chụp CT để chẩn đoán sỏi mà thường để xác định thêm những tình huống khác kết hợp với sỏi.
- Nội soi:
Là phương pháp đưa dụng cụ quang học vào bọng đái, niệu quản và đôi khi lên đến thận để quan sát các hòn sỏi, các tổn thương ở bộ niệu. Trước thập niên 60, các dụng cụ này thường được chiếu sáng bằng bóng đèn. Qua một ống nội soi có kích thước khoảng bằng chiếc đũa ăn cơm, người ta trang bị một hệ thống kính phóng đại, một đường dẫn điện vào cho một bóng đèn đặt ở đầu ống, một đường cho nước vào, một đường cho nước ra, và một hay hai khe để đưa các dụng cụ vào thao tác. Ống sẽ được đưa vào bọng đái qua ngã niệu đạo. 

 
Vì niêm mạc niệu đạo rất nhạy cảm nên người ta phải gây tê tại chỗ bằng chất bôi trơn có pha thuốc tê Lidocaine. Ở những cá nhân rất nhạy cảm hoặc trẻ em, đôi khi phải sử dụng thuốc mê để dễ dàng thao tác. Vì đây là một loại xét nghiệm gây đau cho nên chỉ áp dụng khi không thể tránh được.
Ngày nay, ống nội soi được cải tiến nhiều, thay vào dây dẫn điện và bóng đèn trong bọng đái có thể cháy bóng, chập mạch, người ta dùng một nguồn sáng ở ngoài và dẫn ánh sáng vào trong qua một hệ thống cáp quang học. Kỹ thuật tiến bộ hơn, người ta có thể dùng các loại ống soi mềm thay vì ống soi cứng.
Trước kia, với hệ thống cáp quang với các sợi thủy  tinh có thiết diện tròn, hiệu suất truyền ánh sáng kém hơn nên phải chế tạo các dụng cụ to hơn; người ta đã thay các sợi thủy tinh bằng loại có thiết diện lục lăng để tiết kiệm tối đa khoảng trống và có thể thu nhỏ dụng cụ.
Với hệ thống kính lúp cũ, sự khúc xạ ánh sáng được hình thành do hiệu ứng mặt cong của kính nên có giới hạn về kích thước, ngày nay đã có loại kính lúp tạo khúc xạ ánh sáng bằng cách thay đổi mật độ của kính, hiệu quả là với một hình lăng trụ, ánh sáng đi qua có hiệu quả như một kính lúp.
Hiện nay, đa số các trung tâm Ngoại niệu đều có máy nội soi bọng đái, nhưng rất ít nơi có được máy đưa lên đến niệu quản và thận để có thể quan sát được tận hòn sỏi và lấy ra khi cần thiết.
 (Theo Bacsigiadinh.org)
 
 
thuoc chua benh soi than