Sỏi thận dễ dẫn đến suy thận

Trong các loại sỏi tiết niệu thì sỏi thận là đáng sợ nhất. Nếu bị sỏi đường tiết niệu cả 2 bên (niệu quản, thận) thì nguy hiểm hơn rất nhiều. Sỏi thận nếu không được điều trị thì nguy cơ thận bị tổn thương do sự viêm nhiễm của sỏi thận gây nên. Từ đây thận có thể bị suy tạo ra một loạt biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Khi nhiễm khuẩn đường tiểu có thể làm xuất hiện hoại tử đường tiểu, các lỗ rò bàng quang hoặc rò niệu quản; làm ứ mủ bể thận hoặc làm xơ hóa thận. Hậu quả của xơ hóa thận sẽ dẫn đến giảm chức năng co bóp đường tiểu, chít hẹp làm bế tắc đường tiểu, tồn đọng nước tiểu và gây suy thận. Suy thận là bệnh thận mạn tính với tỷ lệ tử vong lên tới 90% (suy thận còn có thể do biến chứng của đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận).


Suy thận do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó sỏi thận được xếp vào hàng đầu bảng. Vì vậy, khi bị sỏi thận cần hết sức thận trọng để tránh biến chứng suy thận.
 
Sỏi có thể gây tổn thương nguy hiểm đến thận:
Sỏi thận là một trong các loại sỏi đường tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo, lỗ sáo). Tất cả các loại sỏi đường tiết niệu đều có thể làm ảnh hưởng đến thận do gây cản trở dòng chảy nước tiểu, làm ứ đọng nước tiểu gây viêm nhiễm đường tiết niệu và nguy hiểm nhất là nhiễm khuẩn thận gây hậu quả là suy thận. 
 
 
 Sỏi đường tiết niệu thường xuất hiện ở nơi có dòng nước tiểu yếu hoặc đường tiểu quá nhỏ, uốn khúc, bị hẹp do dị dạng bẩm sinh hay tắc nghẽn bởi chấn thương, u chèn ép hoặc do lao. Đa phần các trường hợp bị sỏi đường tiết niệu là do sự lắng đọng các khoáng chất (oxalat, canxi, vitamin C, acid uric, photpho...), trong khi lượng nước đào thải qua thận ít hoặc rất ít (do nhiều lý do khác nhau) sẽ làm lắng đọng các khoáng chất gây nên cặn thận, sỏi thận.
 
Trong các loại sỏi thận thì sỏi canxi là loại hay gặp nhất, chiếm khoảng 80 - 90% các trường hợp sỏi thận. Lý do là lượng canxi dư thừa trong cơ thể không sử dụng hết và được loại bỏ qua thận, lượng dư thừa này thường chảy vào nước tiểu. Nếu canxi không được đưa ra ngoài, hoặc đơn giản là quá nhiều để có thể hòa tan trong nước tiểu, nó sẽ rắn lại và kết hợp với các khoáng chất khác tạo thành sỏi. Sỏi canxi thường xuất hiện ở những nguời có lượng vitamin D cao hoặc bị cường tuyến giáp (hạch tuyến giáp quá nhạy cảm). Những người bị suy thận thường có khả năng bị sỏi canxi. 
Ngoài ra còn có loại sỏi được hình thành sau khi đường tiết niệu bị viêm (sỏi khuẩn). Loại sỏi này khá phổ biến ở phụ nữ, bởi lẽ phụ nữ dễ bị viêm đường tiết niệu hơn nam giới (niệu đạo nữ ngắn hơn nam giới, lỗ tiểu nữ lại gần hậu môn rất dễ nhiễm khuẩn). Mỗi khi bị viêm đường tiết niệu mạn tính sẽ tạo ra một loại enzym (men) làm tăng lượng amoniac trong nước tiểu. Lượng amoniac dư thừa này làm vi khuẩn có thể phát sinh nhanh hơn tạo điều kiện cho sỏi khuẩn được hình thành. Sỏi khuẩn thường có nhiều góc, cạnh nhọn, hoặc phân nhánh thành sừng và kích thước có thể phát triển lớn làm tổn thương đến thận.
Khác với nữ giới, nam giới có thể bị sỏi tiết niệu loại do acid uric gây ra. Sỏi acid uric thường gặp ở người có tiền sử bệnh gút. Sỏi thận được hình thành có thể được đào thải ra ngoài theo nước tiểu hoặc rơi xuống niệu quản, bàng quang, niệu đạo, nhưng nếu không có tác động gì thì chúng có thể được tồn tại ở đài hoặc bể thận, hoặc có mặt cả hai vị trí. Vì vậy, những vị trí có sỏi thường là ở thận, niệu quản chậu hoặc sát bàng quang, cổ bàng quang, niệu đạo, lỗ sáo... 

Phòng suy thận khi bị sỏi thận
Suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận, bao gồm chức năng bài tiết lượng nước dư thừa trong cơ thể và bài tiết chất độc trong cơ thể do quá trình trao đổi chất gây ra. Suy thận sẽ làm suy giảm chức năng sản xuất một số hormon do thận sinh ra. Vì vậy, suy thận có thể sinh ra bệnh tăng huyết áp, suy tim, nhồi máu cơ tim, viêm loét dạ dày. Suy thận cũng làm giảm sức khỏe sinh sản, giảm khả năng tình dục và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Những bệnh nhân bị sỏi thận nếu không được chữa trị sớm và kịp thời sẽ có nguy cơ bị suy thận rất cao. 


Sỏi thận có thể do tình cờ phát hiện khi khám bệnh định kỳ hoặc do khám một loại bệnh khác (đau thắt lưng do thoái hóa cột sống, hoặc thoát vị đĩa đệm). Hoặc sỏi thận được phát hiện khi siêu âm ổ bụng vì một lý do nào đó. Dù là lý do gì đi chăng nữa nhưng khi bị sỏi thận thì không được chủ quan, xem thường (vì có nhiều trường hợp không có biểu hiện gì kèm theo) để đề phòng suy thận có thể xảy ra. Muốn vậy, nên khám bệnh định kỳ hoặc mỗi khi thấy cơ thể bất thường (đau, mỏi thắt lưng, rối loạn tiểu tiện hoặc sốt không rõ nguyên nhân...) thì cần đi khám bệnh để hy vọng phát hiện sỏi thận càng sớm càng tốt.
 
Khi đã được xác định bị sỏi thận thì cần điều trị tích cực theo đơn thuốc và tư vấn của bác sĩ. Tùy theo mức độ của bệnh mà bác sĩ khám bệnh sẽ có hướng điều trị cụ thể. Nếu ở mức độ còn có thể điều trị nội khoa để bào mòn sỏi, cộng thêm uống nhiều nước (nếu có thể) để tống sỏi ra ngoài thì có thể dùng các loại thuốc Tây y hoặc Đông y. Tất nhiên uống thuốc gì, liều lượng bao nhiêu là do bác sĩ khám bệnh chỉ định. Nếu bác sĩ thấy tính chất, vị trí và kích thước của sỏi thận không cho phép điều trị nội khoa thì sẽ giải quyết bằng phương pháp ngoại khoa (mổ lấy sỏi).
BS. Việt Bắc

 


thuoc chua benh soi than