Viêm thận-tiết niệu ở phụ nữ mang thai

(Soithan.vn) Thai nghén bị viêm thận – tiết niệu là một thai nghén có biến cố với nhiều nguy cơ cao. Các nghiên cứu đã cho thấy 2-3% phụ nữ mang thai bị viêm thận – tiết niệu, trong đó có 40-50% bị viêm bể thận – thận, một căn bệnh có nguy cơ lớn cho cả mẹ lẫn con. Nhung nếu được chăm sóc điều trị kịp thời thì tỉ lệ trên chỉ còn 5-10%.

Làm thế nào để phát hiện được bệnh?
Triệu chứng bệnh rất thất thường, có khi rất kín đáo nên sản phụ không biết. Bệnh phát hiện được là nhờ qua một xét nghiệm thông thường. Có khi chỉ là một suy giảm chức năng cô đặc đã phải chú ý tới tổn thương nhu mô thận. Những biến đổi chức năng của đường tiết niệu dưới rất quan trọng vì viêm nhiễm thường xuất phát từ đây. Do đó, khi triệu chứng còn khu trú ở đường tiết niệu dưới cũng đừng vội kết luận là nhu mô thận không can gì! Mỗi khi sản phụ bị sốt chưa rõ nguyên nhân, ta phải chú ý ngay tới viêm thận – tiết niệu .
Nếu sốt kèm theo rét run, đau lưng và viêm bàng quang thì chắc chắn là sản phụ đã bị viêm bể thận – thận. Khi đó, có thể là một nhiễm khuẩn huyết Gram (-) dễ dẫn tới trụy tim mạch và tử vong; hoặc một suy thận cấp với tình trạng nhiễm khuẩn nặng kèm theo trụy tim mạch rất nguy kịch. Nguy hiểm hơn nữa là viêm thận – tiết niệu xuất hiện trong tình trạng protein niệu riêng rẽ không phù, huyết áp không tăng rất khó chẩn đoán. Hoặc viêm nhiễm thận – tiết niệu kèm theo nhiễm độc thai nghén, tăng huyết áp và protein – niệu cao bất thường thì tiên lượng lại càng nặng.

 

Bệnh tiến triển như thế nào?

Bệnh sẽ khỏi nếu được điều trị sớm kể cả khi viêm nhiễm chưa thật rõ ràng hoặc còn kín đáo. Nếu không thì tình trạng thai nghén sẽ làm tăng thêm các nguy cơ. Nếu bệnh tái diễn và vi khuẩn cũ tồn tại thì phải nghĩ tới một chướng ngại vật trên đường tiết niệu. Phải siêu âm hoặc chụp X-quang để xác định là u, sỏi hoặc chít hẹp. Những xét nghiệm này còn phải làm lại sau sinh từ 6-8 tuần, khi các đường bài xuất đã trở lại trạng thái bình thường.
Các nguy cơ sinh non, suy thai, viêm bể thận – thận mạn tính, tăng huyết áp… là những điều khó tránh khỏi.

Vì sao khi mang thai bệnh lại nặng hơn?

Trước hết, các biến đổi sinh lý ở thận và đường tiết niệu của sản phụ đã làm tiên lượng của bệnh xấu đi. Các đường bài xuất nước tiểu bị giãn to do tác dụng của progesteron (nội tiết tố nữ) hoặc do sự chèn ép cơ học của tử cung ngày càng to. Các nhu động của bể thận, niệu quản bị suy giảm nên lưu thông nước tiểu kém. Trong nước tiểu sản phụ, đường thường tăng cao kể cả.
khi không có bệnh đái tháo đường. Kali huyết của sản phụ hạ thấp do nôn mửa hoặc uống thuốc lợi tiểu. Có công trình nghiên cứu đã chứng minh: bản thân những thay đổi nội tiết trong những ngày đầu mang thai đã làm viêm nhiễm phát sinh và phát triển, ngay cả khi chưa có những biến đổi về giải phẫu của đường bài xuất nước tiểu. Tất cả những yếu tố trên đã góp phần làm tăng thêm nguy cơ cho thai nghén. Nếu trước đây sản phụ đã từng bị viêm cầu thận, sỏi tiết niệu hoặc một dị tật bẩm sinh ở đường bài xuất hoặc bị bệnh đái tháo đường thì chắc chắn nguy cơ lại càng lớn hơn nhiều.

Chữa trị như thế nào?

Viêm thận – tiết niệu phải được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nhưng dùng kháng sinh gì, trong bao lâu… nhất thiết phải do các thầy thuốc chuyên khoa chỉ định.
Lưu ý, không được thông bàng quang cho sản phụ vì dễ gây ra viêm bể thận – thận ngược dòng kéo dài, rất khó điều trị.


thuoc chua benh soi than