Thận ứ nước là bệnh gì? Bệnh do những nguyên nhân nào gây nên? Việc điều trị có phức tạp không?
Thận ứ nước là hậu quả của tắc đường dẫn nước tiểu trong thận hoặc ngoài thận làm cho thận to lên do chứa nước tiểu. Nếu là thận ứ nước cấp tính thì chức năng thận vẫn tốt. Nhưng nếu kéo dài, không được xử trí thì xảy ra thận ứ nước mạn tính làm các đơn vị thận bị huỷ hoại dần, mức lọc cầu thận giảm đi và cuối cùng đưa đến suy thận mạn tính.
Nếu có kết hợp nhiễm khuẩn nặng sinh mủ, thận sẽ bị ứ mủ làm tổ chức thận bị huỷ hoại và phải cắt bỏ thận. Bệnh này gặp ở mọi lứa tuổi, do nhiều nguyên nhân khác nhau: ở trẻ em thường do u bẩm sinh; ở người trung niên thường do sỏi tiết niệu; còn ở người cao tuổi là do ung thư bàng quang, u tuyến tiền liệt (nam), u tử cung, phần phụ (nữ).
Biểu hiện lâm sàng của thận ứ nước tuỳ thuộc sự tắc nghẽn cấp tính hay mạn tính, tắc một hay cả hai bên, vị trí tắc ở trên cao hay thấp, có nhiễm khuẩn kết hợp hay chỉ là thận ứ nước đơn thuần.
Nếu tắc ở dưới bàng quang do u xơ tuyến tiền liệt thì sẽ có triệu chứng rối loạn tiểu tiện (dòng tiểu nhỏ, yếu, ngắt quãng, tiểu đêm, có khi bí tiểu...). Nếu có kết hợp viêm bàng quang thì có đái dắt, đái buốt, đái đục hay đái máu... Nếu có nhiễm khuẩn thận ứ nước trở thành thận ứ mủ, thận trở thành một bọc mủ thì có sốt rét run, sốt cao, mạch nhanh.
Ngoài ra, còn có một số triệu chứng chung: Đau ở mạn sườn hay ở hông lưng rồi lan ra sau và xuống dưới do thận ứ nước bị căng ra. Tính chất đau: liên tục, tăng dần, kéo dài 30 phút đến 4-5 tiếng, có thể đau âm ỉ cả ngày.
Rối loạn cô đặc nước tiểu là triệu chứng gặp ở bệnh nhân bị thận ứ nước đã dài ngày, nước tiểu nhiều nhưng kém chất lượng (thường gọi là đái nhạt). Tăng huyết áp nhẹ hoặc trung bình, nếu thận ứ nước một bên thì thường ít tăng huyết áp.
Suy thận cấp với triệu chứng vô niệu, urê máu tăng cao, creatinin máu và kali máu tăng cao. Suy thận mạn tính với triệu chứng: urê máu cao, creatinin máu cao, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu, mạch nhanh hoặc suy tim, huyết áp tăng, gan to, phù. Lúc này, bệnh nhân sẽ tử vong nếu không được lọc thận nhân tạo chu kỳ và ghép thận.
Điều trị bệnh thận ứ nước phải tuỳ từng trường hợp cụ thể. Nguyên tắc chung là loại bỏ yếu tố gây tắc (phẫu thuật tái tạo các dị dạng bẩm sinh, mổ cắt và bóc các khối u, tán hoặc mổ lấy sỏi tiết niệu...); chống nhiễm khuẩn bằng các loại kháng sinh; chống rối loạn nước điện giải bằng truyền dịch; điều trị suy thận bằng chế độ ăn giảm chất đạm, lọc máu ngoài thận. Khi suy cả hai thận không phục hồi thì phải cắt cả hai thận rồi tiến hành chạy thận nhân tạo chu kỳ và ghép thận.
Comments[ 0 ]
Post a Comment