Thận ứ nước là tổn thương làm cho thận bị giãn và
sưng to. Ứ nước có thể chỉ ở một bên thận hoặc ở cả hai bên. Bệnh có
thể gây suy giảm chức năng thận, gây tổn thương cấu trúc tế bào thận. Các tổn
thương này có thể hồi phục nếu giải quyết nhanh, thận hết ứ nước. Trái lại nếu
thận ứ nước kéo dài nhiều tuần, tổn thương là vĩnh viễn.
Các
bệnh gây ứ nước ở thận
Có nhiều bệnh là nguyên nhân gây ứ nước ở thận: sỏi thận
gây tắc nghẽn niệu quản; nếu là sỏi nhỏ, nó di chuyển từ thận xuống bàng
quang, nhưng nếu hòn sỏi quá to sẽ gây tắc nghẽn niệu quản, làm cho nước
tiểu sẽ ứ lại trên chỗ tắc; trong khi thận vẫn tiếp tục lọc ra nước tiểu mà
niệu quản bị tắc, không xuống được bàng quang nên thận bị ứ nước, giãn to. Niệu
quản bị hẹp do vết sẹo mổ lấy sỏi thận trước đó cũng gây tắc nghẽn làm thận ứ nước.
Ung thư bàng quang, sỏi bàng quang, cổ bàng quang co bất thường cũng gây tắc
nghẽn lối nước tiểu từ quàng quang ra niệu đạo, kết quả là nước tiểu ứ lại từ
bàng quang, làm thận bị ứ nước. Niệu đạo
hẹp do bị viêm nhiễm, do sỏi cũng gây ứ nước thận.
Các khối u từ bên ngoài đường tiết niệu chèn ép niệu quản
và ngăn chặn dòng chảy của nước tiểu. Ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt,
phụ nữ mang thai, sa tử cung... Rối loạn chức năng của bàng quang do u
não, tổn thương tủy sống hoặc những khối u, bệnh đa xơ cứng và bệnh đái tháo đường...
gây trào ngược bàng quang niệu quản làm thận ứ nước.
Dấu
hiệu của thận ứ nước
Nếu thận bị ứ nước cấp tính, thường có các triệu chứng: đau bụng do sỏi thận di chuyển xuống niệu quản
cọ xát gây đau, hoặc viên sỏi mắc kẹt tại chỗ niệu quản bị hẹp gây đau. Đau khởi
phát ở hông lưng hoặc sườn lưng lan tới háng, kèm theo nôn, buồn nôn và vã
mồ hôi. Đau từng cơn, đau nhiều làm cho bệnh nhân quằn quại hoặc cuộn người
lại vì đau đớn. Có thể có máu trong nước tiểu.
Trường hợp thận ứ nước mạn tính, thận giãn to dần
trong thời gian dài và có thể không có triệu chứng gì. Nếu có các khối u ở xương
chậu hoặc bàng quang gây chèn ép có thể phát triển âm thầm, bệnh nhân có thể
có các triệu chứng suy thận: mệt mỏi, buồn nôn và nôn, do rối loạn các chất
điện giải natri, kali, canxi, bệnh nhân còn bị rối loạn nhịp tim, co thắt cơ
bắp.
Xét nghiệm có thể được yêu cầu là: xét nghiệm nước tiểu
để phát hiện máu, vi khuẩn gây nhiễm khuẩn hay các tế bào ung thư. Chụp cắt lớp
thấy thận bị ứ nước, phát hiện thấy sỏi. Siêu âm thấy thận bị ứ nước.
Những
giải pháp tích cực
Khi bị thận ứ nước, bệnh nhân không nên quá lo lắng bi
quan, trái lại cần phải bình tĩnh lạc quan để loại bỏ bệnh tật. Cơ sở của sự lạc
quan đó là: khoa học ngày nay có nhiều phương pháp điều trị bệnh thận ứ nước mà
bệnh nhân có thể hy vọng được chữa khỏi bệnh.
Mục tiêu điều trị là thông lại dòng chảy tự do của nước
tiểu từ thận xuống bàng quang và ra ngoài; làm giảm sưng và giảm áp lực để
ngăn chặn suy giảm chức năng thận. Bệnh nhân cần được giảm thiểu đau đớn và
ngăn ngừa nhiễm khuẩn đường tiểu. Phẫu thuật để lấy sỏi niệu quản, loại bỏ khối
u gây tắc nghẽn niệu quản. Nhiều trường hợp bệnh nhân có thể được tán sỏi bằng
tia lase chứ không cần phải mổ. Sóng xung kích bắn vào viên sỏi, làm nó vỡ
ra nhiều mảnh nhỏ có thể đi qua đường tiết niệu trong nước tiểu. Nếu bệnh nhân
bị bí tiểu và bàng quang mở rộng như là một nguyên nhân gây ứ nước, có thể đặt ống
thông bàng quang để tháo nước tiểu giảm áp lực nước tiểu cho thận và giảm đau
cho bệnh nhân. Các bệnh nhân bị hẹp niệu quản hay sỏi niệu quản mà có khó
khăn để loại bỏ, bác sĩ có thể đặt một stent vào niệu quản đi qua các vật cản
và thông dòng nước tiểu chảy từ thận xuống để ra ngoài. Nếu không đặt được
stent, biện pháp thay thế là gắn một ống soi thận qua da. Kỹ thuật này là đặt
một ống thông qua các khe gian sườn trực tiếp vào thận để tháo nước tiểu ra
ngoài, làm cho thận hết bị giãn căng và giảm đau cho bệnh nhân.
Lời
khuyên của thầy thuốc
Thận ứ nước có thể phòng tránh được bằng cách tránh
các bệnh là nguyên nhân gây ứ nước thận. Chẳng hạn những người bị sỏi thận có
thể loại bỏ sỏi bằng cách uống nhiều nước hàng ngày. Nước có thể dùng là nước
đun sôi để nguội, nước nấu các loại thuốc Nam có tác dụng làm tan sỏi như: nước
râu ngô, nước sắc bông mã đề, nước sắc kim tiền thảo...
Cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn tiết
niệu như: sống chung thủy một vợ một chồng; không quan hệ tình dục với gái mại
dâm; vệ sinh bộ phận sinh dục trước và sau quan hệ tình dục; tránh tắm rửa ngâm
mình trong nước ao hồ bị ô nhiễm; phụ nữ cần vệ sinh đúng cách: chỉ lau rửa
vùng kín từ trước ra sau không lau rửa từ sau về trước... để tránh nhiễm khuẩn
tiết niệu ngược dòng dẫn đến chít hẹp đường tiết niệu và gây ứ nước thận.
Comments[ 0 ]
Post a Comment