Yếu
sinh lý và vô sinh???
Trước hết là nỗi lo về đường sinh sản. Đa số các bệnh
nhân khi bị tuyên bố là có sạn và phải mổ đều có thắc mắc là "Mổ xong em
có bị yếu cái vụ kia đi không? ", hoặc là bạn bè tuyên bố một câu “xanh rờn”:
"Cắt thận là không có con được nữa đâu". Có những người phụ nữ có sỏi
nhưng nhất quyết không chịu mổ vì lẽ chưa, hoặc mới lấy chồng, nhà chồng thấy
đi mổ sạn sợ không thể sinh nở được, chờ có một đứa con trai rồi hãy đi mổ cũng
chưa muộn!
Tất cả những suy nghĩ nói trên đều không có cơ sở khoa học.
Tuy cơ quan bài tiết và cơ quan sinh dục có những liên quan với nhau về phôi
thai và giải phẫu học, đường tiểu và đường phóng tinh của nam giới cùng một chỗ
và với nữ giới thì cũng gần đâu đó, nhưng trong hoạt động thì không có liên hệ
với nhau.
Bị sỏi hay là sau khi mổ lấy sỏi, chức năng sinh sản của
cả hai giới đều không bị ảnh hưởng. Có chăng là ảnh hưởng của cuộc mổ làm bệnh
nhân bị mệt đi một giai đoạn thì hoạt động tình dục cũng có phần thuyên giảm đi
trong bối cảnh chung của cùng thời gian đó, mà điều này thì xuất hiện trong tất
cả các cuộc giải phẫu, không riêng gì mổ sỏi.
Nếu xét về khía cạnh ảnh hưởng lên các chức năng sinh lý thì
có rất nhiều những phương pháp điều trị khác làm suy giảm chúng hơn là một cuộc
mổ sỏi như xạ trị, dùng thuốc điều trị kéo dài.
Đau
kéo dài
Bệnh nhân thường có những cơn đau nơi vết mổ kéo dài. Điều
này cũng hết sức tự nhiên. Đường mổ lấy sỏi thận thường kéo từ sau lưng cổ gần
đầu xương sườn cụt thứ 12 và kéo dài xuống dưới, ra trước. Tuy đã chọn một con
đường ngắn nhất và hợp chức năng nhất, người pphẫu thuật viên thường khó tránh
được việc đụng chạm hay loại bỏ một trong rất nhiều những dây thần kinh liên sườn.
Như vậy, sau này khi vết mổ đã lành lặn, bệnh nhân vẫn có cảm giác đau nơi vết
mổ là vùng dây thần kinh này chi phối .
Đặt biệt hơn, có những bệnh nhân không đau tại chỗ mổ mà
lại có những cảm giác kỳ lạ nơi vùng bụng dưới cùng với bên mổ. Cảm giác này có
thể là ê ẩm, râm ran như kim chích, hoặc là tê hẳn vùng đó kèm theo sự quá nhạy
cảm tại một vùng bụng trên đó. Điều này được gây ra do đầu mút dây thần kinh đã
cắt đi bị kích thích. Khoa học cũng đã nhận thấy các sự việc tương tự ở những nạn
nhân bị cắt cụt tay hoặc chân, có những lúc những người này có cảm giác nóng hoặc
đau nơi đầu ngón tay hoặc chân vốn đã mất từ lâu. Bệnh nhân sau mổ sỏi thận thường
có cảm giác lo âu về những cảm giác đau này, và vì sợ là còn có “cái gì” trong
đó nữa nên thường không dám đi đứng hoặc ngồi thẳng người, hay nghiêng nghiêng
về phía bị đau, lâu dần thành ra bị vẹo cột sống.
Tật này còn rõ hơn khi mà có người phát hiện ra họ bị
nghiêng người, họ lại uốn phần trên cơ thể theo hướng ngược lại thành ra cột sống
hình chữ S. Trong những trường hợp đó, phương cách lý trị đơn giản và hiệu quả
chỉ là tập xà đơn. Bệnh nhân đu mình lên xà và làm một số cử động trong khoảng
15 phút mỗi ngày, sức nặng của cơ thể sẽ làm cột sống thẳng lại. Tuy nhiên,
không nên để đến giai đoạn đó mà cần phải cho bệnh nhân tập sớm trong những
ngày đầu hậu phẫu.
Tại các trung tâm ngoại quốc, bệnh nhân được khuyến khích
ngồi dậy từ ngày thứ hai, đứng xuống đất và bước đi từ ngày thứ ba để tránh các
biến chứng nói trên và tránh cả biến chứng viêm phổi vốn là nguyên nhân gây tử
vong hàng đầu cuả các phòng hồi sức.
Sau khi cắt chỉ khâu da, bệnh nhân cũng không nên sợ bị
bung vết mổ mà cần phải tập hoạt động để sớm trở về cuộc sống bình thường của
mình.
Tái
phát?
Có những người bệnh sợ mổ là vì nghĩ rằng là mổ xong thì
sỏi cũng tái phát. Điều này là hợp lý. Theo các tài liệu ngoại quốc thì sau khi
mổ lấy sỏi, nếu không theo những chế độ kiêng cữ và thuốc men thì tỷ lệ tái
phát sỏi sau năm năm có thể lên đến 30%. Đối với tán sỏi thì tỷ lệ cũng có giảm
đi chút đỉnh. Nhưng nếu được điều trị và theo các hướng dẫn tiết thực thì tỷ lệ
giảm đi rất nhiều. Sau mổ, cần theo đúng các biện pháp phòng ngừa và khám định
kỳ bằng siêu âm mỗi 6 tháng, như vậy mới có thể kịp thời phát hiện các hòn sỏi
nhỏ mới xuất hiện nếu có tái phát, lúc đó thì sỏi nhỏ có thể dễ dàng điều trị bằng
thuốc, nội soi, tán sỏi mà không phải mổ đi mổ lại nữa.
Mất
thận?
Một số bệnh nhân khác lại sợ bác sĩ lúc mổ cắt mất đi của
mình một bên thận thì khổ! Bất cứ nội tạng nào trong người cũng đều hết sức quý
giá, khi phải cắt đi là điều bất đắc dĩ. Thận cũng nằm trong trường hợp đó. Có
những quả thận để bị sỏi quá lâu, đến khi mổ thì đã ứ mủ hoặc hoá mủ rồi, không
thể nào giữ được. Vả lại, dù có giữ lại được thì cũng không có ích lợi gì cả vì
nó đã ngừng hoạt động. Có những quả thận đã “chết” từ lâu do quá trình viêm nhiễm
nhiều lần mà chỉ dùng thuốc kháng sinh. Có những thận thì lại “teo” đi gây ra
chứng cao huyết áp thứ phát do thận. Những trường hợp nói trên đều nên cắt bỏ
thận để cứu mạng sống cho người bệnh vì để lại thì chỉ có hại chứ không có lợi.
Thực ra, khi cắt bỏ thận đi, bệnh nhân không mất gì cả vì từ lâu nó không còn
hiện diện trong cơ thể về khía cạnh chức năng nữa. Vậy muốn tránh khỏi cắt thận
thì phải điều trị sớm (điều trị cho hết sỏi chứ không phải hết đau).
Sau khi cắt thận, người bệnh cần chú ý đến các biện pháp
đề phòng tái phát chặt chẽ hơn các bệnh nhân khác vì có một thận thì càng phải
cần được phát hiện sớm hơn để được áp dụng phương pháp điều trị nhẹ nhất có thể
được. Người có một thận không chịu ảnh hưởng nặng nề gì về mặt sinh học vì người
ta hoàn toàn có thể sống bình thường với một quả thận. Hiện nay, có khoảng 10%
dân số sống với một thận mà nhiều khi không biết vì thận kia đã bị cắt do tai nạn
hay bệnh lý, hoặc là chỉ có một thận hoạt động từ lúc mới sinh ra đời.
Comments[ 0 ]
Post a Comment