Cây hẹ nước còn có tên là mã đề nước, cây vợi. Là loại cây cỏ thủy
sinh, mọc trong ao hồ. Gốc và rễ ngập trong bùn, lá mềm hình bầu dục,
mọc thành cụm ở gốc. Hoa lưỡng tính mọc trên cuống dài, màu trắng, tím
nhạt hoặc trắng đục. Quả hình cầu.
Cây thường mọc thành đám ruộng ở các ao hồ nước nông, kênh rạch, bờ
suối, ruộng trũng có nước quanh năm. Nhân dân nhiều nơi thường lấy cây
hẹ nước dùng làm rau ăn (thân và lá rửa sạch, luộc qua rồi xào hoặc nấu
canh ăn).
Bộ phận dùng làm thuốc là lá, thân rễ (thường gọi là củ) bỏ hết rễ, rửa
sạch rồi phơi sấy khô. Theo Đông y, vị thuốc từ cây hẹ nước gọi là
trạch tả. Trạch tả có vị ngọt, tính hàn, vào các kinh thận, bàng quang.
Có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi niệu, long đờm dùng chữa các
bệnh: phù thũng do thận, ho do viêm họng, giúp mát gan, lợi tiểu...
Một số bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian:
Chữa ho do viêm họng: Lá
trạch tả 30g, lá húng chanh 30g, gừng tươi 5g. Sắc khoảng 300ml nước
còn 50ml. Uống trong ngày, nên uống khi thuốc còn ấm. Uống trong 5 ngày.
Tác dụng mát gan: Trạch tả, bạch phục linh, mẫu đơn bì, sơn thù
du, mỗi vị 10g; thục địa và hoài sơn, mỗi vị 12g. Tất cả sao vàng, tán
bột chế thành viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống 8 - 10 viên. Uống trong
10 ngày.
Chữa chứng hoa mắt, chóng mặt do thiếu máu: Trạch
tả 12g, sinh địa 15g; long đởm thảo, sơn chi tử, hoàng cầm, sài hồ, mẫu
đơn bì, tri mẫu, cúc hoa, mỗi vị 10g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang. Hoặc
trạch tả 15g, bạch truật 6g, cúc hoa 12g. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát.
uống trong ngày. Dùng trong 7 - 10 ngày.
Hỗ trợ điều trị phù thũng do thận: Lá trạch tả 30g, thân cây sậy
100g, râu ngô 100g. Sắc với 700ml nước, còn 150ml chia uống hai lần
trong ngày. Uống sau bữa ăn trưa và tối. Dùng trong 10 ngày. Hoặc trạch
tả, bạch phục linh, trư linh, hạt mã đề mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1
thang.
Hạ sốt do cảm nóng: Lá trạch tả 20g, cỏ mần trầu 25g, lá tre
30g. Các vị thuốc trên đem sắc với 3 bát nước còn 1 bát. Uống trong ngày
khi thuốc còn ấm. Dùng trong 2 ngày.
Chữa mụn nhọt sưng đau (chưa mưng mủ): Lá trạch tả tươi, lá cây
lạc địa sinh căn, mỗi vị 15g. Rửa sạch, để ráo, giã nát đắp nơi mụn nhọt
sưng đau. Ngày đắp 2 lần, mỗi lần 2 giờ, đắp trong 2 ngày.
Comments[ 0 ]
Post a Comment